Những Câu Hỏi Thường Gặp (dành cho những ai muốn trở thành Mentee)

1. Có nhiều khái niệm & chương trình mentoring tại Việt Nam, vậy định nghĩa “mentoring" trong chương trình SME Mentoring là gì? 

  • Mentoring trong chương trình SME Mentoring được hiểu là sự đồng hành giữa mentor trong vai “người bạn già” đã từng trải với mentee. Người bạn già này trong suốt hành trình 12 tháng sẽ tìm cách lắng nghe, thấu hiểu mentee; đưa ra những góc nhìn khác nhau (lời khuyên, thách thức, phân tích, …) để mentee có thể tự tìm ra lời giải cho chính vấn đề của riêng mình.

  • Mentoring là một nơi ta có thể học sự khôn ngoan, có người bạn già sẵn sàng lắng nghe ta & thúc đẩy người mentee đi trên con đường mà họ mong muốn.

2. Tại sao quá trình mentoring lại không chú trọng vào việc kinh doanh/khởi nghiệp; thay vào đó lại ưu tiên phát triển năng lực cá nhân của người mentee?

  • Với thời lượng gặp nhau (tối thiểu) giữa mentor & mentee, 1 buổi/tháng, mỗi buổi ít nhất 1 giờ, trong suốt 12 tháng, gần như không thể giải quyết được vấn đề cốt yếu trong việc kinh doanh/khởi nghiệp của mentee. Hơn nữa vai trò & trách nhiệm của người mentor là hướng dẫn & gợi mở; hoàn toàn không có nghĩa vụ trực tiếp giải quyết vấn đề kinh doanh của mentee.

  • Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng vấn đề trong kinh doanh/sự nghiệp luôn hiện diện & không thể tránh khỏi, tư duy & góc nhìn là nền tảng để đương đầu & vượt qua thử thách trong kinh doanh cũng như cuộc sống cá nhân. Vì thế, người mentor luôn tìm cách để giúp mentee đạt được điều này. 

3. Vì sao chương lại kéo dài tới tận 12 tháng? 

  • SME Mentoring tập trung vào mối quan hệ “1 on 1”, trực tiếp giữa từng cặp mentor & mentee. Bên cạnh đó, mentoring cũng như bất kỳ mối quan hệ nào có ý nghĩa cũng cần thời gian tìm hiểu, xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau để có thể thoải mái chia sẻ, thảo luận những vấn đề mang tính riêng tư, cá nhân. 12 tháng là khoảng thời gian vừa và đủ để xây dựng một mối quan hệ tin tưởng & gặt hái được những thành quả từ hành trình mentoring.

4. Tóm tắt cách ngắn gọn, quá trình mentoring 12 tháng sẽ diễn ra thế nào?

  • Có thể hình dung quá trình này trải qua 4 giai đoạn chính:

    • Xây dựng quan hệ (tìm hiểu về nhau, cách làm việc, quá trình trưởng thành, …)

    • Xác định kỳ vọng của mentee 

    • Hành động thực tế để đạt mục tiêu (những gì làm tốt & chưa tốt, bài học rút ra, …)

    • Nhìn lại & bước tiếp theo cho quan hệ của 2 bên

  • Khung thời gian cho từng giai đoạn sẽ không cố định, mà tuỳ vào ngữ cảnh từng trường hợp.

5. Đâu là những nguyên nhân thường thấy cho hành trình mentoring không hiệu quả hay quan hệ không tốt/gãy đổ giữa mentor & mentee?

  • Không có sự thống nhất về kỳ vọng; dẫn đến hiểu lầm/thất vọng

  • Thụ động khi có vấn đề xảy ra: không nêu lên/tìm kiếm sự hỗ trợ để cùng giải quyết

6. Nếu gặp phải những vấn đề vừa nêu, mentee nên chủ động làm gì?

  • Không có mối quan hệ nào hay ho, tươi đẹp mà không trải qua thử thách, hãy xem đó là cơ hội trưởng thành hơn thông qua việc thẳng thắn nhìn nhận & trao đổi với nhau; hoặc tìm đến sự hỗ trợ từ chương trình.

7. Hành trình mentoring hiệu quả phụ thuộc vào những yếu tố nào?

  • Mỗi mentor sẽ có một phong cách làm việc, cách tiếp cận, hướng dẫn người mentee khác nhau. Tuy nhiên, đây là vài yếu tố cơ bản để đặt nền tảng cho hành trình mentoring hiệu quả & suôn sẻ.

    • Sự cam kết: đi được 3 tháng đầu rất dễ, nhưng đi hết 12 tháng là 1 thử thách không nhỏ. Qua được hành trình này, tự thân trong đó đã là nỗ lực rất đáng khích lệ của người mentee. 

    • Sự tôn trọng lẫn nhau: về thời gian, cách thức giao tiếp, làm việc với nhau trong suốt chương trình 

    • Sự kiên nhẫn: vấn đề tồn tại trong vài năm không thể được giải quyết sau vài tháng mentoring. Cái gì hay/tốt đẹp trên đời mà lại không cần nhiều thời gian. 

    • Sự chủ động: đừng khoanh tay ngồi chờ cơ hội, lợi ích đến với mình.

8. Chương trình đề cập nhiều đến “mối quan hệ có ý nghĩa, có chiều sâu", điều này thật sự mang ý nghĩa gì?

  • Cách tốt nhất để hiểu chính là việc các bạn tìm đến các mentee đã tốt nghiệp từ chương trình; làm quen, hỏi họ xem điều này mang ý nghĩa gì.

9. Thế nào là hành trình mentoring thành công? 

  • Không có KPI, tiêu chí, công thức nào cụ thể cho hành trình mentoring “thành công". Mỗi cặp mentor & mentee sẽ có kỳ vọng & mục tiêu khác nhau. Chính người mentee sẽ thiết kế định nghĩa của sự thành công cho riêng mình.

 

10. Tại sao phải đăng tóm tắt nội dung buổi gặp & chụp hình khi gặp mentor hằng tháng lên Group Facebook của chương trình? 

  • Đây đơn thuần không chỉ là quy định của chương trình để có thể theo sát, hỗ trợ quá trình gặp nhau giữa các cặp mentor & mentee. Quan trọng không kém, sự chia sẻ của các bạn có thể là lời giải, nguồn cảm hứng cho những người khác có hoàn cảnh tương đồng.